Vượt lên chính mình của Hồ Quốc Mạnh và Nguyễn Minh Thuận
Lâu nay, người ta thường dùng cụm từ “vượt khó-học giỏi” để ngợi khen những học sinh con nhà nghèo, học giỏi. Với Hồ Quốc Mạnh và Nguyễn Minh Thuận (sinh viên K31, Khoa Công nghệ thông tin-Truyền thông, Trường Đại học Cần Thơ) còn đáng khen hơn, bởi cả hai đều là người khuyết tật.
Năm lên 3 tuổi, cơn sốt bại liệt đã làm Hồ Quốc Mạnh (SN 1986, ở xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), vĩnh viễn không thể bước đi bằng đôi chân của mình. Giấy giám định sức khỏe của Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp kết luận, Mạnh bị di chứng bại liệt đến 98%. Chị Nguyễn Thị Dung, mẹ của Mạnh bộc bạch: “Sau cơn bạo bệnh, Mạnh bị suy dinh dưỡng rất nặng, nhưng cả nhà 5 miệng ăn chỉ trông nhờ vào 3 công ruộng, chúng tôi kiếm đâu ra tiền để mua thức ăn bồi bổ cho Mạnh. Nhìn Mạnh gầy nhom, đôi chân teo tóp chỉ còn da bọc xương, lòng tôi đau như cắt...”.
Thật trớ trêu, dù không thể bước đi trên đôi chân của mình nhưng Mạnh lại cần đôi dép hơn người có đôi chân lành lặn. Bởi em phải xỏ tay vào dép để bò đi chơi; muốn ngồi, Mạnh phải ngồi bẹp xuống đất, dép kê làm ghế. Như thành thói quen, người lớn trong nhà mỗi khi đi lại đều cẩn thận ngó xuống, vì sợ trúng phải Mạnh. Năm 6 tuổi, Hồ Quốc Mạnh vào lớp 1. Trường học cách nhà khoảng 500 mét, ngày ngày Mạnh ngồi trên lưng cho cha cõng đến lớp. Trong những buổi học đầu tiên, giờ chơi chúng bạn ùa ra sân chạy nhảy, nô đùa, Mạnh ngó bắt thèm, nhưng em chỉ biết ngồi lỳ trong lớp, mắc cỡ không dám xỏ tay vào dép để bò ra sân chơi với các bạn. Mạnh kể: “Em lấy dây thun đan vào mấy ngón tay làm hình ngôi sao chơi, nhưng nước mắt cứ chảy ròng ròng. Cô giáo thấy em khóc, cũng chảy nước mắt theo, cô kêu mấy anh to con học lớp trên cõng em ra sân, em lót dép ngồi trên bậc thềm nhìn các bạn chơi đùa, lại càng tủi thân hơn”.
Năm học lớp 4, sức khỏe tốt hơn, Mạnh có thể chống nạng để đi lại. Mỗi bước đi bằng đôi nạng gỗ làm bả vai Mạnh đau nhói, nhưng em mừng lắm vì thoát khỏi cảnh bò lê trên đất. Khi cha mẹ bận việc ngoài đồng, Mạnh tự chống nạng đến trường. Chị Nguyễn Thị Dung cho biết: “Những hôm trở trời, đôi chân tật nguyền bị đau nhức, làm Mạnh khóc rấm rứt, nhưng Mạnh vẫn cố gắng làm xong bài tập mới chịu đi ngủ. Cả năm học, Mạnh không nghỉ buổi nào. Mỗi lần họp phụ huynh học sinh, tôi rất tự hào vì cô chủ nhiệm luôn biểu dương tinh thần tự học, tự rèn của Mạnh. Ở nhà, những phần việc như giặt quần áo, rửa chén, chẻ củi,... Mạnh đều giành làm để cha mẹ và anh trai có thời gian lao động kiếm tiền. Có lúc Mạnh bị té bầm cả mình nhưng luôn giấu không cho tôi biết, sợ tôi buồn”.
Suốt 12 năm học, Hồ Quốc Mạnh luôn đạt học sinh giỏi, đậu tốt nghiệp trung học phổ thông đạt loại giỏi và đậu cả hai trường đại học, trong đó, ngành Công nghệ hóa Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, Mạnh được 20 điểm; còn ngành Công nghệ thông tin Trường ĐH Cần Thơ, Mạnh giành ngôi Á khoa, với 24,5 điểm (kỳ tuyển sinh năm 2005). Mạnh chọn học ngành Công nghệ thông tin. Mạnh tâm sự: “Những lúc buồn, em chỉ biết ngồi đan tay vào nhau, suy nghĩ về câu nói của ông bà “giàu con mắt - khó bàn tay”. Từ xưa, ông bà mình đã có kinh nghiệm, người khỏe mạnh mà làm việc thiếu sự đầu tư suy nghĩ cũng không thể làm giàu, em tuy bị khuyết tật nhưng may mắn được lớn lên trong thời đại công nghệ thông tin phát triển. Em chọn học ngành Công nghệ thông tin với mong muốn nhờ chiếc máy tính thay đôi chân, để em được sống tự lập và vươn lên”. Nghĩ là làm, vào đại học Mạnh được miễn học phí và hưởng học bổng dành cho SV khuyết tật, từ năm nhất, Mạnh đã tự kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt bằng nghề gia sư, hầu hết các chỗ dạy thêm của Mạnh là do thầy, cô giới thiệu. Với chiếc xe lăn, Mạnh đã lăn hơn 3 cây số để đến trường trong những năm học cấp 3, giờ lại đưa Mạnh từ ký túc xá Trường ĐH Cần Thơ (đường 3 Tháng 2) đến giảng đường Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông (ĐH Khu 3, đường Lý Tự Trọng), rồi đến các chỗ dạy thêm, có khi trong ngày, Mạnh phải lăn xe gần 20km, vì nhiều học sinh nhà ở tận ở đường Nguyễn Văn Cừ, Cách Mạng Tháng Tám. Vậy mà ngoài lo việc học và việc làm thêm, Mạnh còn tham gia Chi hội SV huyện Lấp Vò với nhiệm vụ Chi hội trưởng. Anh Trần Thiện Bình, Bí thư Đoàn Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Trong 3 năm phụ trách Chi hội, Mạnh là cánh tay đắc lực của Đoàn trường trong việc tổ chức các hoạt động văn nghệ - thể dục- thể thao, đặc biệt là phong trào Tiếp sức mùa thi. Hình ảnh chàng SV khuyết tật Hồ Quốc Mạnh, nước da ngăm ngăm, nụ cười tươi tắn vã mồ hôi lăn xe đưa từng tốp thí sinh từ cổng trường vào ký túc xá nhận phòng trọ, là niềm tự hào của tuổi trẻ nhà trường về nghị lực vượt khó, vươn lên”.
Đáng nể hơn là luận văn tốt nghiệp ra trường của Mạnh đạt loại xuất sắc với đề tài Quản lý hệ thống nhà hàng - khách sạn trực thuộc một công ty du lịch . Tiến sĩ Phạm Thị Xuân Lộc, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông, phụ trách hướng dẫn cho Mạnh, nhận xét: “Thật ngạc nhiên khi điều kiện sinh hoạt hạn chế mà Mạnh đã thực hiện được luận văn tốt nghiệp với đầy đủ thông tin thực tiễn, kèm hình ảnh minh họa sắc nét, miêu tả hoạt động của hệ thống nhà hàng – khách sạn ở ĐBSCL. Trong đó, phần nghiệp vụ quản lý được Mạnh thiết kế một cách sáng tạo, ứng dụng nhiều kinh nghiệm từ các nước tiên tiến”.
Mạnh tâm sự: “Cả thời học phổ thông em đâu thể đi đâu xa, chỉ biết mỗi con đường từ nhà đến trường. Khi sống ở TP Cần Thơ em luôn nhớ về quê nhà khó khăn, rồi nhờ chiếc máy tính, em tiếp cận với xã hội, với nhiều bạn bè ở khắp nơi, nhiều người chỉ giao tiếp trên mạng nhưng đã giúp đỡ em một cách tận tình. Em nuôi ước mơ khi có nghề nghiệp ổn định, cuộc sống khấm khá, sẽ giúp đỡ cho những sinh viên nghèo học tốt để có niềm tin vươn lên trong cuộc sống như em!”.
Còn với Nguyễn Minh Thuận (SN 1986, ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) tuổi thơ cũng đầy bất hạnh. Ba bỏ đi từ khi Thuận còn trong bụng mẹ. Chị Nguyễn Hồng Phúc mẹ của Thuận ở vậy nuôi Thuận, phương tiện để hai mẹ con tìm kế sinh nhai là một công ruộng và một công vườn do ông ngoại cho.
Thuận lớn lên là đứa trẻ mạnh khỏe và học giỏi, đặc biệt là môn toán. Thuận tốt nghiệp THCS đạt loại giỏi, thi vào Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, môn toán được 10 điểm. Thuận tâm sự: “Em mơ ước thi đậu vào ngành sư phạm Toán. Vì học sư phạm mẹ em không phải tốn tiền học phí, sau này có nghề nghiệp ổn định em sẽ nuôi mẹ, chăm sóc cho mẹ đỡ vất vả”. Thế nhưng chưa học hết lớp 10, Thuận bị nhiễm siêu vi, bị liệt nửa thân người. Mẹ Thuận phải đưa Thuận đến các bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh chữa trị, Thuận đi được nhưng phần cơ của cổ và của bàn tay phải bị co rút. Bác sĩ kết luận Thuận bị “loạn trương lực nửa thân”. Chị Nguyễn Hồng Phúc, kể: “Tôi đã cầm cố ruộng vườn để đưa Thuận đi khắp nơi chữa trị, từ dùng thuốc tây, thuốc nam, đến châm cứu nhưng căn bệnh kỳ lạ này làm quai hàm và miệng của Thuận bị méo, mặt luôn nghểnh cao về bên trái, buồn hơn là các ngón bàn tay phải của Thuận bị co rút như chân gà luộc. Mỗi bữa ăn, tôi và miếng cơm luôn chan nước mắt vì đau xót trước cảnh Thuận đau đớn, vật vã khi dùng muỗng đưa từng miếng cơm vào miệng. Thấy tôi khóc, Thuận an ủi tôi: “Mẹ đừng buồn, con còn trẻ, cố gắng tập vật lý trị liệu, chắc sẽ cầm được viết, con quyết tâm lấy được bằng đại học để có việc làm tốt, kiếm tiền nuôi mẹ”. Nói là làm, cố hết sức tập luyện, chừng tháng sau, Thuận cầm được viết và suốt ngày nó miệt mài tập viết chữ như con nít lớp 1, đi ngủ tay cũng cầm cây viết...”.
Cô Trần Ngọc Oanh, giáo viên môn Sinh Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (là giáo viên chủ nhiệm của Thuận trong 3 năm học tại trường), nói: “Thuận bị bệnh phải nghỉ học gần 1 tháng, lớp phân công nhau chép bài cho Thuận. Khi vừa khỏi bệnh, Thuận đã cố gắng học theo kịp chương trình, làm thầy cô và bạn bè rất khâm phục”. Bác Tám Hưu, Trưởng khu vực Bình Dương, phường Long Hòa, ở cách nhà Thuận chừng 200 mét, nói: “Từ đây đến Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa gần 5km, trời vừa mờ sáng, tôi đã thấy Thuận dắt xe ra cổng, tay lái yếu nên xe Thuận luôn loạng choạng, ngày nào tôi cũng ngó chừng sợ nó lủi xuống mương. Bà con quanh đây, luôn lấy Thuận làm tấm gương sáng về nghị lực vượt khó, học giỏi để dạy dỗ con cháu”. Thầy Lý Hiệp, dạy môn toán của Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, nói: “Thuận đã ra trường 4 năm, nhưng tôi không quên được ánh mắt đầy cương quyết của em khi em tâm sự với tôi về nghề nghiệp tương lai. Thuận nói: “Cơ thể em bị tật nguyền, chữ viết không ngay ngắn em rất buồn vì không thể theo nghề dạy học. Em chọn ngành Công nghệ thông tin, quyết tâm làm việc trong lĩnh vực phần mềm để tự nuôi thân và giúp mẹ”.
Thuận đã cố gắng và đạt được ước mơ đậu vào ngành Công nghệ thông tin Trường ĐH Cần Thơ. Nhưng nhà nghèo, không mua được máy vi tính nên Thuận phải vào các tiệm game để thực hành, sang năm thứ hai nhờ thành tích học tốt Thuận được Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ giới thiệu để UBND TP Cần Thơ tặng dàn máy vi tính. Năm thứ tư, Thuận làm luận văn tốt nghiệp đề tài “Quản lý việc khám chữa bệnh ở một bệnh viện - Khám và chữa ngoại trú” được nhà trường giới thiệu cơ sở thực tập là Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng. Trong thời gian thực tập, mỗi ngày, Thuận phải gởi xe đạp ở chợ Bình Thủy rồi đi hai chặng xe buýt để đến bệnh viện. Bác sĩ Hồ Văn Sanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, nói: “Có nhiều sinh viên đến bệnh viện thực tập về sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều trị, nhưng so với người khỏe mạnh thì tinh thần làm việc và kinh nghiệm thực tiễn của Thuận thật đáng khâm phục”.
Tại buổi bảo vệ luận văn tốt nghiệp, Thuận trả lời một cách trôi chảy các câu hỏi chất vấn của Hội đồng phản biện. Nhiều cán bộ, giảng viên của Trường ĐH Cần Thơ đã không giấu được xúc động khi nhìn Thuận click chuột bằng bàn tay tật nguyền run run; cảm động hơn, để thể hiện sự lễ phép với thầy, cô, Thuận đã cố gắng chịu đau, chống lại sự co rút của cơ cổ, nhằm kiềm giữ cho gương mặt không bị nghếch ngược lên trời. Tiến sĩ Phạm Thị Xuân Lộc, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông, phụ trách hướng dẫn cho Thuận, nhận xét: “Luận văn của Thuận dày 219 trang, rất nhiều chức năng được Thuận thiết kế nhằm xử lý những tình huống đa dạng trong thực tiễn công tác quản lý khám chữa bệnh nội trú và đặc biệt là điều trị ngoại trú. Thuận xứng đáng đạt loại xuất sắc”.
* * *
Hiện nay, dù chưa lãnh bằng tốt nghiệp nhưng Hồ Quốc Mạnh và Nguyễn Minh Thuận đã được một công ty tư nhân về phần mềm liên hệ mời thử việc. Đây không chỉ là niềm vui của Mạnh và Thuận mà còn là niềm tự hào của gia đình, thầy cô, bạn bè của hai bạn. Mọi người luôn mong hai bạn trẻ khuyết tật này, tấm gương sáng về nghị lực vượt lên chính mình có được tương lai xán lạn, sống xứng đáng và đạt được ước mơ giúp đỡ cho người đồng cảnh ngộ.
Thông tin trên trang: http://www.ctu.edu.vn/associations/yout ... wst&sid=99
Lâu nay, người ta thường dùng cụm từ “vượt khó-học giỏi” để ngợi khen những học sinh con nhà nghèo, học giỏi. Với Hồ Quốc Mạnh và Nguyễn Minh Thuận (sinh viên K31, Khoa Công nghệ thông tin-Truyền thông, Trường Đại học Cần Thơ) còn đáng khen hơn, bởi cả hai đều là người khuyết tật.
Năm lên 3 tuổi, cơn sốt bại liệt đã làm Hồ Quốc Mạnh (SN 1986, ở xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), vĩnh viễn không thể bước đi bằng đôi chân của mình. Giấy giám định sức khỏe của Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp kết luận, Mạnh bị di chứng bại liệt đến 98%. Chị Nguyễn Thị Dung, mẹ của Mạnh bộc bạch: “Sau cơn bạo bệnh, Mạnh bị suy dinh dưỡng rất nặng, nhưng cả nhà 5 miệng ăn chỉ trông nhờ vào 3 công ruộng, chúng tôi kiếm đâu ra tiền để mua thức ăn bồi bổ cho Mạnh. Nhìn Mạnh gầy nhom, đôi chân teo tóp chỉ còn da bọc xương, lòng tôi đau như cắt...”.
Thật trớ trêu, dù không thể bước đi trên đôi chân của mình nhưng Mạnh lại cần đôi dép hơn người có đôi chân lành lặn. Bởi em phải xỏ tay vào dép để bò đi chơi; muốn ngồi, Mạnh phải ngồi bẹp xuống đất, dép kê làm ghế. Như thành thói quen, người lớn trong nhà mỗi khi đi lại đều cẩn thận ngó xuống, vì sợ trúng phải Mạnh. Năm 6 tuổi, Hồ Quốc Mạnh vào lớp 1. Trường học cách nhà khoảng 500 mét, ngày ngày Mạnh ngồi trên lưng cho cha cõng đến lớp. Trong những buổi học đầu tiên, giờ chơi chúng bạn ùa ra sân chạy nhảy, nô đùa, Mạnh ngó bắt thèm, nhưng em chỉ biết ngồi lỳ trong lớp, mắc cỡ không dám xỏ tay vào dép để bò ra sân chơi với các bạn. Mạnh kể: “Em lấy dây thun đan vào mấy ngón tay làm hình ngôi sao chơi, nhưng nước mắt cứ chảy ròng ròng. Cô giáo thấy em khóc, cũng chảy nước mắt theo, cô kêu mấy anh to con học lớp trên cõng em ra sân, em lót dép ngồi trên bậc thềm nhìn các bạn chơi đùa, lại càng tủi thân hơn”.
Năm học lớp 4, sức khỏe tốt hơn, Mạnh có thể chống nạng để đi lại. Mỗi bước đi bằng đôi nạng gỗ làm bả vai Mạnh đau nhói, nhưng em mừng lắm vì thoát khỏi cảnh bò lê trên đất. Khi cha mẹ bận việc ngoài đồng, Mạnh tự chống nạng đến trường. Chị Nguyễn Thị Dung cho biết: “Những hôm trở trời, đôi chân tật nguyền bị đau nhức, làm Mạnh khóc rấm rứt, nhưng Mạnh vẫn cố gắng làm xong bài tập mới chịu đi ngủ. Cả năm học, Mạnh không nghỉ buổi nào. Mỗi lần họp phụ huynh học sinh, tôi rất tự hào vì cô chủ nhiệm luôn biểu dương tinh thần tự học, tự rèn của Mạnh. Ở nhà, những phần việc như giặt quần áo, rửa chén, chẻ củi,... Mạnh đều giành làm để cha mẹ và anh trai có thời gian lao động kiếm tiền. Có lúc Mạnh bị té bầm cả mình nhưng luôn giấu không cho tôi biết, sợ tôi buồn”.
Suốt 12 năm học, Hồ Quốc Mạnh luôn đạt học sinh giỏi, đậu tốt nghiệp trung học phổ thông đạt loại giỏi và đậu cả hai trường đại học, trong đó, ngành Công nghệ hóa Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, Mạnh được 20 điểm; còn ngành Công nghệ thông tin Trường ĐH Cần Thơ, Mạnh giành ngôi Á khoa, với 24,5 điểm (kỳ tuyển sinh năm 2005). Mạnh chọn học ngành Công nghệ thông tin. Mạnh tâm sự: “Những lúc buồn, em chỉ biết ngồi đan tay vào nhau, suy nghĩ về câu nói của ông bà “giàu con mắt - khó bàn tay”. Từ xưa, ông bà mình đã có kinh nghiệm, người khỏe mạnh mà làm việc thiếu sự đầu tư suy nghĩ cũng không thể làm giàu, em tuy bị khuyết tật nhưng may mắn được lớn lên trong thời đại công nghệ thông tin phát triển. Em chọn học ngành Công nghệ thông tin với mong muốn nhờ chiếc máy tính thay đôi chân, để em được sống tự lập và vươn lên”. Nghĩ là làm, vào đại học Mạnh được miễn học phí và hưởng học bổng dành cho SV khuyết tật, từ năm nhất, Mạnh đã tự kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt bằng nghề gia sư, hầu hết các chỗ dạy thêm của Mạnh là do thầy, cô giới thiệu. Với chiếc xe lăn, Mạnh đã lăn hơn 3 cây số để đến trường trong những năm học cấp 3, giờ lại đưa Mạnh từ ký túc xá Trường ĐH Cần Thơ (đường 3 Tháng 2) đến giảng đường Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông (ĐH Khu 3, đường Lý Tự Trọng), rồi đến các chỗ dạy thêm, có khi trong ngày, Mạnh phải lăn xe gần 20km, vì nhiều học sinh nhà ở tận ở đường Nguyễn Văn Cừ, Cách Mạng Tháng Tám. Vậy mà ngoài lo việc học và việc làm thêm, Mạnh còn tham gia Chi hội SV huyện Lấp Vò với nhiệm vụ Chi hội trưởng. Anh Trần Thiện Bình, Bí thư Đoàn Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Trong 3 năm phụ trách Chi hội, Mạnh là cánh tay đắc lực của Đoàn trường trong việc tổ chức các hoạt động văn nghệ - thể dục- thể thao, đặc biệt là phong trào Tiếp sức mùa thi. Hình ảnh chàng SV khuyết tật Hồ Quốc Mạnh, nước da ngăm ngăm, nụ cười tươi tắn vã mồ hôi lăn xe đưa từng tốp thí sinh từ cổng trường vào ký túc xá nhận phòng trọ, là niềm tự hào của tuổi trẻ nhà trường về nghị lực vượt khó, vươn lên”.
Đáng nể hơn là luận văn tốt nghiệp ra trường của Mạnh đạt loại xuất sắc với đề tài Quản lý hệ thống nhà hàng - khách sạn trực thuộc một công ty du lịch . Tiến sĩ Phạm Thị Xuân Lộc, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông, phụ trách hướng dẫn cho Mạnh, nhận xét: “Thật ngạc nhiên khi điều kiện sinh hoạt hạn chế mà Mạnh đã thực hiện được luận văn tốt nghiệp với đầy đủ thông tin thực tiễn, kèm hình ảnh minh họa sắc nét, miêu tả hoạt động của hệ thống nhà hàng – khách sạn ở ĐBSCL. Trong đó, phần nghiệp vụ quản lý được Mạnh thiết kế một cách sáng tạo, ứng dụng nhiều kinh nghiệm từ các nước tiên tiến”.
Mạnh tâm sự: “Cả thời học phổ thông em đâu thể đi đâu xa, chỉ biết mỗi con đường từ nhà đến trường. Khi sống ở TP Cần Thơ em luôn nhớ về quê nhà khó khăn, rồi nhờ chiếc máy tính, em tiếp cận với xã hội, với nhiều bạn bè ở khắp nơi, nhiều người chỉ giao tiếp trên mạng nhưng đã giúp đỡ em một cách tận tình. Em nuôi ước mơ khi có nghề nghiệp ổn định, cuộc sống khấm khá, sẽ giúp đỡ cho những sinh viên nghèo học tốt để có niềm tin vươn lên trong cuộc sống như em!”.
Còn với Nguyễn Minh Thuận (SN 1986, ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) tuổi thơ cũng đầy bất hạnh. Ba bỏ đi từ khi Thuận còn trong bụng mẹ. Chị Nguyễn Hồng Phúc mẹ của Thuận ở vậy nuôi Thuận, phương tiện để hai mẹ con tìm kế sinh nhai là một công ruộng và một công vườn do ông ngoại cho.
Thuận lớn lên là đứa trẻ mạnh khỏe và học giỏi, đặc biệt là môn toán. Thuận tốt nghiệp THCS đạt loại giỏi, thi vào Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, môn toán được 10 điểm. Thuận tâm sự: “Em mơ ước thi đậu vào ngành sư phạm Toán. Vì học sư phạm mẹ em không phải tốn tiền học phí, sau này có nghề nghiệp ổn định em sẽ nuôi mẹ, chăm sóc cho mẹ đỡ vất vả”. Thế nhưng chưa học hết lớp 10, Thuận bị nhiễm siêu vi, bị liệt nửa thân người. Mẹ Thuận phải đưa Thuận đến các bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh chữa trị, Thuận đi được nhưng phần cơ của cổ và của bàn tay phải bị co rút. Bác sĩ kết luận Thuận bị “loạn trương lực nửa thân”. Chị Nguyễn Hồng Phúc, kể: “Tôi đã cầm cố ruộng vườn để đưa Thuận đi khắp nơi chữa trị, từ dùng thuốc tây, thuốc nam, đến châm cứu nhưng căn bệnh kỳ lạ này làm quai hàm và miệng của Thuận bị méo, mặt luôn nghểnh cao về bên trái, buồn hơn là các ngón bàn tay phải của Thuận bị co rút như chân gà luộc. Mỗi bữa ăn, tôi và miếng cơm luôn chan nước mắt vì đau xót trước cảnh Thuận đau đớn, vật vã khi dùng muỗng đưa từng miếng cơm vào miệng. Thấy tôi khóc, Thuận an ủi tôi: “Mẹ đừng buồn, con còn trẻ, cố gắng tập vật lý trị liệu, chắc sẽ cầm được viết, con quyết tâm lấy được bằng đại học để có việc làm tốt, kiếm tiền nuôi mẹ”. Nói là làm, cố hết sức tập luyện, chừng tháng sau, Thuận cầm được viết và suốt ngày nó miệt mài tập viết chữ như con nít lớp 1, đi ngủ tay cũng cầm cây viết...”.
Cô Trần Ngọc Oanh, giáo viên môn Sinh Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (là giáo viên chủ nhiệm của Thuận trong 3 năm học tại trường), nói: “Thuận bị bệnh phải nghỉ học gần 1 tháng, lớp phân công nhau chép bài cho Thuận. Khi vừa khỏi bệnh, Thuận đã cố gắng học theo kịp chương trình, làm thầy cô và bạn bè rất khâm phục”. Bác Tám Hưu, Trưởng khu vực Bình Dương, phường Long Hòa, ở cách nhà Thuận chừng 200 mét, nói: “Từ đây đến Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa gần 5km, trời vừa mờ sáng, tôi đã thấy Thuận dắt xe ra cổng, tay lái yếu nên xe Thuận luôn loạng choạng, ngày nào tôi cũng ngó chừng sợ nó lủi xuống mương. Bà con quanh đây, luôn lấy Thuận làm tấm gương sáng về nghị lực vượt khó, học giỏi để dạy dỗ con cháu”. Thầy Lý Hiệp, dạy môn toán của Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, nói: “Thuận đã ra trường 4 năm, nhưng tôi không quên được ánh mắt đầy cương quyết của em khi em tâm sự với tôi về nghề nghiệp tương lai. Thuận nói: “Cơ thể em bị tật nguyền, chữ viết không ngay ngắn em rất buồn vì không thể theo nghề dạy học. Em chọn ngành Công nghệ thông tin, quyết tâm làm việc trong lĩnh vực phần mềm để tự nuôi thân và giúp mẹ”.
Thuận đã cố gắng và đạt được ước mơ đậu vào ngành Công nghệ thông tin Trường ĐH Cần Thơ. Nhưng nhà nghèo, không mua được máy vi tính nên Thuận phải vào các tiệm game để thực hành, sang năm thứ hai nhờ thành tích học tốt Thuận được Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ giới thiệu để UBND TP Cần Thơ tặng dàn máy vi tính. Năm thứ tư, Thuận làm luận văn tốt nghiệp đề tài “Quản lý việc khám chữa bệnh ở một bệnh viện - Khám và chữa ngoại trú” được nhà trường giới thiệu cơ sở thực tập là Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng. Trong thời gian thực tập, mỗi ngày, Thuận phải gởi xe đạp ở chợ Bình Thủy rồi đi hai chặng xe buýt để đến bệnh viện. Bác sĩ Hồ Văn Sanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, nói: “Có nhiều sinh viên đến bệnh viện thực tập về sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều trị, nhưng so với người khỏe mạnh thì tinh thần làm việc và kinh nghiệm thực tiễn của Thuận thật đáng khâm phục”.
Tại buổi bảo vệ luận văn tốt nghiệp, Thuận trả lời một cách trôi chảy các câu hỏi chất vấn của Hội đồng phản biện. Nhiều cán bộ, giảng viên của Trường ĐH Cần Thơ đã không giấu được xúc động khi nhìn Thuận click chuột bằng bàn tay tật nguyền run run; cảm động hơn, để thể hiện sự lễ phép với thầy, cô, Thuận đã cố gắng chịu đau, chống lại sự co rút của cơ cổ, nhằm kiềm giữ cho gương mặt không bị nghếch ngược lên trời. Tiến sĩ Phạm Thị Xuân Lộc, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông, phụ trách hướng dẫn cho Thuận, nhận xét: “Luận văn của Thuận dày 219 trang, rất nhiều chức năng được Thuận thiết kế nhằm xử lý những tình huống đa dạng trong thực tiễn công tác quản lý khám chữa bệnh nội trú và đặc biệt là điều trị ngoại trú. Thuận xứng đáng đạt loại xuất sắc”.
* * *
Hiện nay, dù chưa lãnh bằng tốt nghiệp nhưng Hồ Quốc Mạnh và Nguyễn Minh Thuận đã được một công ty tư nhân về phần mềm liên hệ mời thử việc. Đây không chỉ là niềm vui của Mạnh và Thuận mà còn là niềm tự hào của gia đình, thầy cô, bạn bè của hai bạn. Mọi người luôn mong hai bạn trẻ khuyết tật này, tấm gương sáng về nghị lực vượt lên chính mình có được tương lai xán lạn, sống xứng đáng và đạt được ước mơ giúp đỡ cho người đồng cảnh ngộ.
Thông tin trên trang: http://www.ctu.edu.vn/associations/yout ... wst&sid=99