Vào cuối mùa nước nổi, khi tiết trời đang độ xuân sang, du khách đến Tháp Mười được chiêm ngưỡng những đồng sen rộng dài ngút mắt. Đi men theo những bờ đê bao ngăn lũ, du khách có thể nghiêng mình vít một đoá sen, ngắm nhìn nhuỵ sen vàng ủ trong những cánh hoa trắng muốt và thưởng thức mùi thơm dịu nhẹ trong không gian tinh khiết của buổi chiều tà êm ả.
Người dân Tháp Mười tính tình chân chất, mộc mạc, hiếu khách, đậm chất Nam Bộ. Ghé vào những gia đình nơi đây, du khách có thể được thưởng thức thứ “cây nhà lá vườn” độc đáo là trà sen hoặc những chén chè hạt sen ngọt lịm. Dưới luỹ tre trong buổi chiều tà, ánh nắng đỏ ối phía cuối đồng xa, ngồi trên chiếc ghế gỗ, du khách vừa được uống những ngụm trà sen đặc sánh, ngắm đồng sen với những tán lá xanh, bông trắng hồng còn đọng những hạt sương long lanh, không gian thoang thoảng hương sen Tháp Mười mà biết bao nỗi niềm sâu lắng trong lòng. Trà sen thơm ngát là nhờ chủ nhân cầu kỳ gói nhúm trà trong một túi vải nhỏ, bỏ vào những nụ sen sắp nở miệng sáo đã được tỉ mẩn ướp suốt đêm ngoài trời.
Mấy năm gần đây, du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười đã thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước. Nhiều du khách nước ngoài khi về Tháp Mười dù trong điều kiện nào cũng nhất định đòi ghé thăm những gia đình trồng sen, được xem thu hoạch, chế biến sen, để được thưởng thức những món ẩm thực dân dã làm từ sen…
Những bông sen trắng, hồng không chỉ tô điểm cho cảnh đẹp đồng quê du lịch sinh thái vùng Đồng Tháp Mười, mà còn trở thành một trong những cây trồng cho sản phẩm nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ở huyện Tháp Mười, nghề trồng sen để thu hoạch gương sen và ngó sen đã thực sự bắt đầu từ mấy năm gần đây, khi dịch vụ du lịch phát triển mạnh khắp nơi, có nhiều yêu cầu về những món đặc sản đồng quê. Vì thế, mà một số nơi cây sen đã chen cây lúa, hoặc đồng đất được chuyển từ trồng lúa sang chuyên canh, thâm canh cây sen. Các xã Mỹ Quý, Mỹ Đông, Láng Biển, Mỹ An là những địa phương đi đầu trong việc thay cây lúa nước bằng cây sen và đạt hiệu quả cao. Đến nay, cây sen đã trở thành một trong ba loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Có vụ tính ra trồng sen cho thu nhập cao gấp 8 lần cây lúa. Nhiều hộ trong các xã trên đã liên kết với một công ty của Đài Loan đầu tư vốn, giống và bao tiêu sản phẩm. Thường thì sen trồng được một tháng cho thu hoạch ngó đợt đầu. Trung bình, một công đất (1.000 m2) đạt năng suất từ 4 đến 5 kg ngó sen, được bao tiêu sản phẩm với mức giá từ 6.000 đến 8.000 đ/kg ngó sen. Còn nếu thu hoạch gương sen phải chăm sóc hơn 3 tháng, bình quân 100.000 gương sen/ha.
Để trồng sen thu hoạch đạt chất lượng, năng suất cao đòi hỏi người trồng sen phải có kỹ thuật chăm sóc nhất định. Trước khi trồng phải bơm nước vào ruộng cho ngập sâu chừng 30 - 50 cm. Sau đó chọn những cụm sen khỏe, rễ tốt, có cuống lá để cấy. Khi cấy phải cho các lá sen nằm trên mặt nước. Nếu chăm sóc sen đúng quy trình kỹ thuật, mỗi vụ sen có thể thu hoạch đạt giá trị gần 100 triệu đồng/ha. ông Trần Bổn Thới - Chủ tịch UBND xã Láng Biển cho biết: Sen giờ đây đã trở thành một cây nông nghiệp “mũi nhọn” của xã, vừa đem lại hiệu quả cao, tận dụng được lợi thế diện tích mặt nước, điều kiện tự nhiên vùng ngập lũ vừa tạo được công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn trong xã. Hiện nay, xã Láng Biển đã phát triển hơn 100 ha sen được trồng đúng quy trình kỹ thuật, có năng suất cao.
Về Đồng Tháp Mười, ngoài vẻ đẹp của sen du khách còn được biết đến tấm lòng hồn hậu của người dân vùng ngập lũ. Trước khi rời bước tạm xa những đầm sen nơi đây, du khách không quên ngoái trông những đoá sen trắng hồng, cầm trên tay và mang theo những gương sen mềm mại, hít một hơi dài để tận hưởng hương sen thơm ngát. Những đầm sen nơi đây cứ vấn vương, làm thổn thức trong lòng mỗi người, dù khi dấu chân lữ khách thập phương đã phải xa Đồng Tháp Mười. Hương sen quyện theo bước người như luyến nhớ chia xa, như lời hẹn gặp lại thân tình của một miền quê sông nước bên dòng Cửu Long Giang.
(Theo Đặng Trung Kiên)
Người dân Tháp Mười tính tình chân chất, mộc mạc, hiếu khách, đậm chất Nam Bộ. Ghé vào những gia đình nơi đây, du khách có thể được thưởng thức thứ “cây nhà lá vườn” độc đáo là trà sen hoặc những chén chè hạt sen ngọt lịm. Dưới luỹ tre trong buổi chiều tà, ánh nắng đỏ ối phía cuối đồng xa, ngồi trên chiếc ghế gỗ, du khách vừa được uống những ngụm trà sen đặc sánh, ngắm đồng sen với những tán lá xanh, bông trắng hồng còn đọng những hạt sương long lanh, không gian thoang thoảng hương sen Tháp Mười mà biết bao nỗi niềm sâu lắng trong lòng. Trà sen thơm ngát là nhờ chủ nhân cầu kỳ gói nhúm trà trong một túi vải nhỏ, bỏ vào những nụ sen sắp nở miệng sáo đã được tỉ mẩn ướp suốt đêm ngoài trời.
Mấy năm gần đây, du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười đã thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước. Nhiều du khách nước ngoài khi về Tháp Mười dù trong điều kiện nào cũng nhất định đòi ghé thăm những gia đình trồng sen, được xem thu hoạch, chế biến sen, để được thưởng thức những món ẩm thực dân dã làm từ sen…
Những bông sen trắng, hồng không chỉ tô điểm cho cảnh đẹp đồng quê du lịch sinh thái vùng Đồng Tháp Mười, mà còn trở thành một trong những cây trồng cho sản phẩm nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ở huyện Tháp Mười, nghề trồng sen để thu hoạch gương sen và ngó sen đã thực sự bắt đầu từ mấy năm gần đây, khi dịch vụ du lịch phát triển mạnh khắp nơi, có nhiều yêu cầu về những món đặc sản đồng quê. Vì thế, mà một số nơi cây sen đã chen cây lúa, hoặc đồng đất được chuyển từ trồng lúa sang chuyên canh, thâm canh cây sen. Các xã Mỹ Quý, Mỹ Đông, Láng Biển, Mỹ An là những địa phương đi đầu trong việc thay cây lúa nước bằng cây sen và đạt hiệu quả cao. Đến nay, cây sen đã trở thành một trong ba loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Có vụ tính ra trồng sen cho thu nhập cao gấp 8 lần cây lúa. Nhiều hộ trong các xã trên đã liên kết với một công ty của Đài Loan đầu tư vốn, giống và bao tiêu sản phẩm. Thường thì sen trồng được một tháng cho thu hoạch ngó đợt đầu. Trung bình, một công đất (1.000 m2) đạt năng suất từ 4 đến 5 kg ngó sen, được bao tiêu sản phẩm với mức giá từ 6.000 đến 8.000 đ/kg ngó sen. Còn nếu thu hoạch gương sen phải chăm sóc hơn 3 tháng, bình quân 100.000 gương sen/ha.
Để trồng sen thu hoạch đạt chất lượng, năng suất cao đòi hỏi người trồng sen phải có kỹ thuật chăm sóc nhất định. Trước khi trồng phải bơm nước vào ruộng cho ngập sâu chừng 30 - 50 cm. Sau đó chọn những cụm sen khỏe, rễ tốt, có cuống lá để cấy. Khi cấy phải cho các lá sen nằm trên mặt nước. Nếu chăm sóc sen đúng quy trình kỹ thuật, mỗi vụ sen có thể thu hoạch đạt giá trị gần 100 triệu đồng/ha. ông Trần Bổn Thới - Chủ tịch UBND xã Láng Biển cho biết: Sen giờ đây đã trở thành một cây nông nghiệp “mũi nhọn” của xã, vừa đem lại hiệu quả cao, tận dụng được lợi thế diện tích mặt nước, điều kiện tự nhiên vùng ngập lũ vừa tạo được công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn trong xã. Hiện nay, xã Láng Biển đã phát triển hơn 100 ha sen được trồng đúng quy trình kỹ thuật, có năng suất cao.
Về Đồng Tháp Mười, ngoài vẻ đẹp của sen du khách còn được biết đến tấm lòng hồn hậu của người dân vùng ngập lũ. Trước khi rời bước tạm xa những đầm sen nơi đây, du khách không quên ngoái trông những đoá sen trắng hồng, cầm trên tay và mang theo những gương sen mềm mại, hít một hơi dài để tận hưởng hương sen thơm ngát. Những đầm sen nơi đây cứ vấn vương, làm thổn thức trong lòng mỗi người, dù khi dấu chân lữ khách thập phương đã phải xa Đồng Tháp Mười. Hương sen quyện theo bước người như luyến nhớ chia xa, như lời hẹn gặp lại thân tình của một miền quê sông nước bên dòng Cửu Long Giang.
(Theo Đặng Trung Kiên)