Cậu bé "Nô-ben môi trường"
Em Đinh Trần Vũ An (bên trái) tại lễ trao giải “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước”.
Tháng Tám tới, có một cậu học sinh vừa được trao giải nhất cuộc thi “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước” sẽ đại diện cho học sinh Việt Nam mang ý tưởng của mình đi thi thố với bạn bè quốc tế tại Thụy Điển. Cậu bé đó là Đinh Trần Vũ An, học sinh lớp 11T, Trường THPT thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp.
Cậu bé ở xóm nước đen
17 tuổi, An – cũng như bao cậu học trò nghèo khác ở “xóm nước đen”, một khu phố nghèo của thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp từng trải qua tuổi thơ “nước đọng, bùn lầy”, không gian luôn thoang thoảng mùi “nước hoa thiên nhiên” từ cống nước thải công cộng gần nhà. Nhiều bữa, học bài “trong đầm gì đẹp bằng sen” mà mùi ô nhiễm lại bay vô khiến cậu không sao thuộc được bài. An từng bỏ công đi đi lại lại, suy ngẫm mãi về “xóm nước đen” và nhận ra rằng: “tác giả” tạo nên mùi “nước hoa thiên nhiên” nọ không đâu xa mà chính từ… mỗi hộ gia đình. Do thị xã đang mở một con đường chạy qua trong khu nên cống nước thải gần nhà An luôn luôn bị tắc. Mùa mưa cũng như mùa nắng, người dân trong khu phố của An cứ phải sống chung với mùi hôi thối bốc từ cống nước. Nhà nào cũng có nước thải, nhà nào cũng đổ thẳng ra sông từ nước vo gạo, rác rưởi, thậm chí cả phân gia súc thì làm sao không hôi thối. Tất cả các cống thoát nước ở từng nhà đều không hề có phương tiện nào “thanh lọc” những chất thải ô nhiễm ấy. Theo phân tích của An, cống thoát nước hiện tại chỉ có khả năng cản rác, còn nước thì vẫn rất bẩn, hôi thối. Em nghĩ, ngoài việc lọc rác, cống cũng có thể lọc được nước. Hộ nào cũng đều thải nước thải đã qua lọc ra ngoài thì dù khi cống nước bị tắc, nước cũng sẽ không bốc mùi hôi thối như vậy.
An nghĩ vậy, nhưng cũng đâu dám làm bởi nghe cậu trình bày ý tưởng, không ít người “bĩu môi”: Đến cả công ty vệ sinh môi trường còn “bó tay chấm com”, mày con nít, bày đặt chi nghiên cứu cho mệt người. Chuyện tưởng như lãng quên nếu không có một ngày, trường trung học nơi An học triển khai cuộc thi “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước”. Đây là cuộc thi thường niên do báo Khoa học và Đời sống phối hợp với Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Cuộc thi được ví như một “giải Nobel” dành cho học sinh. Giải thưởng cao nhất hằng năm là một quả cầu thủy tinh hình giọt nước được trao trọng thể tại Cung điện Hoàng gia Thụy Điển. Người trực tiếp trao giải thưởng là công chúa Thụy Điển. Ở Việt Nam, cuộc thi này đã được tổ chức 5 năm, mỗi năm thu hút hàng ngàn học sinh tham gia, có nhiều sáng kiến, đề xuất sáng tạo về bảo vệ môi trường đã được trao giải và đưa vào ứng dụng. An nghe các thầy cô giới thiệu, mê quá, cậu nghĩ ngay đến ý tưởng “lọc rác từ cống”.
Ngày càng nhiều thanh niên, học sinh tham gia các chương trình tình nguyện bảo vệ môi trường.
Từ trang sách học trò tới... giải “Nô-benmôi trường”
Nghĩ và làm nhưng mọi việc không đơn giản. Ý tưởng về một cái “cống đa năng” vấp phải khó khăn đầu tiên là… tiền đâu? An phải năn nỉ mãi mới xin bố mẹ được 200.000 đồng vừa để làm mô hình, vừa để kiểm nghiệm nước. Nhà nghèo, 200.000 cũng là “cả một vấn đề”. Thế nên, An vào cuộc rất nghiêm túc. Em cặm cụi nghiên cứu và cho ra đời một ống thoát nước đa năng có thể ngăn cản rác, phân nước, lọc nước. Cấu tạo ống thoát nước này gồm 3 phần: Miệng ống, thân ống, đáy. Miệng ống rộng 8-10cm và được thiết kế cao hơn thân cống một chút, có tác dụng lọc rác ban đầu. Thân cống có 2 dãy than hoạt tính ở 2 bên, giữa ống có 1 động cơ 3 cánh quạt, một trục thẳng để khuấy và lọc nước. Khi ra tới miệng cống, nước thoát ra qua 2 cửa chính và phụ. Cả 2 cửa này tiếp tục có một màng lọc mà em mô tả “như cái vợt lược cùi dừa” để lọc lần cuối. An giải thích: cống lọc nước thải đa năng dựa trên 3 tính chất chủ yếu: Lực mô men quay chuyển động xoáy của dòng nước tạo ra, tính chất xoáy của nước khi chuyển động thành vòng tròn và tính chất lọc khuẩn đa năng của than hoạt tính. Qua 9 ngày vận hành, kết quả cho thấy hiệu quả lọc nước sạch trung bình đạt 70-85%. Nước sau khi lọc không còn mùi xà phòng, dầu mỡ và các hóa chất có hại khác, nước ít tạp chất, các sinh vật như cá, trùn có thể sống bình thường ở môi trường nước đã qua lọc. Ngoài ra, đề án có tính khả thi cao, dễ lắp đặt, có thể thực hiện ở mọi gia đình, giá thành khoảng 100.000 đồng.
Ý tưởng thì dễ, nhưng làm khá khó khăn. Đơn giản nhất là than hoạt tính tại thị xã Sa Đéc cũng không có bán nên An phải nhờ người lên tận thành phố Hồ Chí Minh tìm mua. Khó khăn nhất là lúc cần phân tích mẫu nước, đánh giá độ sạch của nước. An phải hỏi các bạn xem có ai có anh, chị học về công nghệ sinh học ở các trường đại học để nhờ giúp đỡ. Cuối cùng, một chị là sinh viên Trường đại học Khoa học tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh làm giúp. Riêng cái cánh quạt phục vụ “cống đa năng”, An lần mò đi tìm rồi nhờ mấy anh thợ sửa máy vi tính cho xin ít quạt… hỏng. Do thời gian quá gấp nên khi hoàn thành đề tài, An gửi thẳng bài thi ra Hà Nội mà không thông qua trường. Kết quả thật bất ngờ: cả tỉnh Đồng Tháp chỉ có đề tài của An lọt vào vòng chung khảo và “ẵm” luôn giải nhất toàn quốc. Theo An, những nguyên lý mà An áp dụng cho bài thi của mình dựa trên những kiến thức rất đơn giản mà em đã được học trong chương trình phổ thông. An nói: “Chẳng hạn, về lực mô men chuyển động thành vòng tròn (môn Vật lý) thì học sinh cấp THCS đã được học”.
Sự kiện An giành giải môi trường đã gây xôn xao dư luận “xóm nước đen” ở thị xã Đồng Tháp. Nhưng điều hạnh phúc nhất với An là ngay sau khi ôm giải trở về, ý tưởng của em đã được hiện thực hóa, giúp cải thiện môi trường ở ngay nơi em hằng sinh sống và nghiên cứu. Đánh giá cao tính khả thi của đề án An đề xuất, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ kinh phí để An có thể ứng dụng công trình này vào khoảng vài chục hộ gia đình ở Đồng Tháp. Sau 3 tháng thử nghiệm, nếu hiệu quả, đề án sẽ được sản xuất đại trà (hiện giá thành lắp ráp của An là hơn 100.000 đồng/bộ). Nghiên cứu này cũng có thể chuyển giao cho một công ty nào đó quan tâm.
Ông Nguyễn Minh Quang - Trưởng ban Tổ chức cuộc thi cho biết: “Ban giám khảo đã mất tới 4 giờ tranh luận để đánh giá giải thưởng cho đề án này và đi đến quyết định trao giải nhất. Công trình của em An có một đặc biệt là tính hiệu quả có thể áp dụng đối với các hộ gia đình ở Việt Nam”.
Theo ý kiến của các chuyên gia, tại Việt Nam hiện nay, hầu hết các hộ gia đình, các nhà máy, xí nghiệp nhỏ đều đổ thẳng nước thải ra cống chính, sông rạch, gây ô nhiễm nguồn nước mà các hệ thống sông Cầu, Nhuệ, Đáy, Đồng Nai đang là nạn nhân trực tiếp. Mô hình này của em An có khả năng vượt khỏi quy mô hộ gia đình, có thể áp dụng được cho cả một khu dân cư rộng lớn, làm giảm thiểu chất thải đổ vào các con kênh, dòng sông. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện đề án trị giá 3.000 tỷ đồng để cứu hệ thống sông Nhuệ-Đáy, giá như mỗi nhà máy, mỗi khu dân cư có ý thức làm sạch nước thải ngay từ đầu thì sẽ không có hậu quả đó. Tuy nhiên, muộn còn hơn không, hi vọng rằng, với cống thoát nước đa năng của An, mọi chuyện rồi sẽ khác…
Em Đinh Trần Vũ An (bên trái) tại lễ trao giải “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước”.
Tháng Tám tới, có một cậu học sinh vừa được trao giải nhất cuộc thi “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước” sẽ đại diện cho học sinh Việt Nam mang ý tưởng của mình đi thi thố với bạn bè quốc tế tại Thụy Điển. Cậu bé đó là Đinh Trần Vũ An, học sinh lớp 11T, Trường THPT thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp.
Cậu bé ở xóm nước đen
17 tuổi, An – cũng như bao cậu học trò nghèo khác ở “xóm nước đen”, một khu phố nghèo của thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp từng trải qua tuổi thơ “nước đọng, bùn lầy”, không gian luôn thoang thoảng mùi “nước hoa thiên nhiên” từ cống nước thải công cộng gần nhà. Nhiều bữa, học bài “trong đầm gì đẹp bằng sen” mà mùi ô nhiễm lại bay vô khiến cậu không sao thuộc được bài. An từng bỏ công đi đi lại lại, suy ngẫm mãi về “xóm nước đen” và nhận ra rằng: “tác giả” tạo nên mùi “nước hoa thiên nhiên” nọ không đâu xa mà chính từ… mỗi hộ gia đình. Do thị xã đang mở một con đường chạy qua trong khu nên cống nước thải gần nhà An luôn luôn bị tắc. Mùa mưa cũng như mùa nắng, người dân trong khu phố của An cứ phải sống chung với mùi hôi thối bốc từ cống nước. Nhà nào cũng có nước thải, nhà nào cũng đổ thẳng ra sông từ nước vo gạo, rác rưởi, thậm chí cả phân gia súc thì làm sao không hôi thối. Tất cả các cống thoát nước ở từng nhà đều không hề có phương tiện nào “thanh lọc” những chất thải ô nhiễm ấy. Theo phân tích của An, cống thoát nước hiện tại chỉ có khả năng cản rác, còn nước thì vẫn rất bẩn, hôi thối. Em nghĩ, ngoài việc lọc rác, cống cũng có thể lọc được nước. Hộ nào cũng đều thải nước thải đã qua lọc ra ngoài thì dù khi cống nước bị tắc, nước cũng sẽ không bốc mùi hôi thối như vậy.
An nghĩ vậy, nhưng cũng đâu dám làm bởi nghe cậu trình bày ý tưởng, không ít người “bĩu môi”: Đến cả công ty vệ sinh môi trường còn “bó tay chấm com”, mày con nít, bày đặt chi nghiên cứu cho mệt người. Chuyện tưởng như lãng quên nếu không có một ngày, trường trung học nơi An học triển khai cuộc thi “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước”. Đây là cuộc thi thường niên do báo Khoa học và Đời sống phối hợp với Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Cuộc thi được ví như một “giải Nobel” dành cho học sinh. Giải thưởng cao nhất hằng năm là một quả cầu thủy tinh hình giọt nước được trao trọng thể tại Cung điện Hoàng gia Thụy Điển. Người trực tiếp trao giải thưởng là công chúa Thụy Điển. Ở Việt Nam, cuộc thi này đã được tổ chức 5 năm, mỗi năm thu hút hàng ngàn học sinh tham gia, có nhiều sáng kiến, đề xuất sáng tạo về bảo vệ môi trường đã được trao giải và đưa vào ứng dụng. An nghe các thầy cô giới thiệu, mê quá, cậu nghĩ ngay đến ý tưởng “lọc rác từ cống”.
Ngày càng nhiều thanh niên, học sinh tham gia các chương trình tình nguyện bảo vệ môi trường.
Từ trang sách học trò tới... giải “Nô-benmôi trường”
Nghĩ và làm nhưng mọi việc không đơn giản. Ý tưởng về một cái “cống đa năng” vấp phải khó khăn đầu tiên là… tiền đâu? An phải năn nỉ mãi mới xin bố mẹ được 200.000 đồng vừa để làm mô hình, vừa để kiểm nghiệm nước. Nhà nghèo, 200.000 cũng là “cả một vấn đề”. Thế nên, An vào cuộc rất nghiêm túc. Em cặm cụi nghiên cứu và cho ra đời một ống thoát nước đa năng có thể ngăn cản rác, phân nước, lọc nước. Cấu tạo ống thoát nước này gồm 3 phần: Miệng ống, thân ống, đáy. Miệng ống rộng 8-10cm và được thiết kế cao hơn thân cống một chút, có tác dụng lọc rác ban đầu. Thân cống có 2 dãy than hoạt tính ở 2 bên, giữa ống có 1 động cơ 3 cánh quạt, một trục thẳng để khuấy và lọc nước. Khi ra tới miệng cống, nước thoát ra qua 2 cửa chính và phụ. Cả 2 cửa này tiếp tục có một màng lọc mà em mô tả “như cái vợt lược cùi dừa” để lọc lần cuối. An giải thích: cống lọc nước thải đa năng dựa trên 3 tính chất chủ yếu: Lực mô men quay chuyển động xoáy của dòng nước tạo ra, tính chất xoáy của nước khi chuyển động thành vòng tròn và tính chất lọc khuẩn đa năng của than hoạt tính. Qua 9 ngày vận hành, kết quả cho thấy hiệu quả lọc nước sạch trung bình đạt 70-85%. Nước sau khi lọc không còn mùi xà phòng, dầu mỡ và các hóa chất có hại khác, nước ít tạp chất, các sinh vật như cá, trùn có thể sống bình thường ở môi trường nước đã qua lọc. Ngoài ra, đề án có tính khả thi cao, dễ lắp đặt, có thể thực hiện ở mọi gia đình, giá thành khoảng 100.000 đồng.
Ý tưởng thì dễ, nhưng làm khá khó khăn. Đơn giản nhất là than hoạt tính tại thị xã Sa Đéc cũng không có bán nên An phải nhờ người lên tận thành phố Hồ Chí Minh tìm mua. Khó khăn nhất là lúc cần phân tích mẫu nước, đánh giá độ sạch của nước. An phải hỏi các bạn xem có ai có anh, chị học về công nghệ sinh học ở các trường đại học để nhờ giúp đỡ. Cuối cùng, một chị là sinh viên Trường đại học Khoa học tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh làm giúp. Riêng cái cánh quạt phục vụ “cống đa năng”, An lần mò đi tìm rồi nhờ mấy anh thợ sửa máy vi tính cho xin ít quạt… hỏng. Do thời gian quá gấp nên khi hoàn thành đề tài, An gửi thẳng bài thi ra Hà Nội mà không thông qua trường. Kết quả thật bất ngờ: cả tỉnh Đồng Tháp chỉ có đề tài của An lọt vào vòng chung khảo và “ẵm” luôn giải nhất toàn quốc. Theo An, những nguyên lý mà An áp dụng cho bài thi của mình dựa trên những kiến thức rất đơn giản mà em đã được học trong chương trình phổ thông. An nói: “Chẳng hạn, về lực mô men chuyển động thành vòng tròn (môn Vật lý) thì học sinh cấp THCS đã được học”.
Sự kiện An giành giải môi trường đã gây xôn xao dư luận “xóm nước đen” ở thị xã Đồng Tháp. Nhưng điều hạnh phúc nhất với An là ngay sau khi ôm giải trở về, ý tưởng của em đã được hiện thực hóa, giúp cải thiện môi trường ở ngay nơi em hằng sinh sống và nghiên cứu. Đánh giá cao tính khả thi của đề án An đề xuất, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ kinh phí để An có thể ứng dụng công trình này vào khoảng vài chục hộ gia đình ở Đồng Tháp. Sau 3 tháng thử nghiệm, nếu hiệu quả, đề án sẽ được sản xuất đại trà (hiện giá thành lắp ráp của An là hơn 100.000 đồng/bộ). Nghiên cứu này cũng có thể chuyển giao cho một công ty nào đó quan tâm.
Ông Nguyễn Minh Quang - Trưởng ban Tổ chức cuộc thi cho biết: “Ban giám khảo đã mất tới 4 giờ tranh luận để đánh giá giải thưởng cho đề án này và đi đến quyết định trao giải nhất. Công trình của em An có một đặc biệt là tính hiệu quả có thể áp dụng đối với các hộ gia đình ở Việt Nam”.
Theo ý kiến của các chuyên gia, tại Việt Nam hiện nay, hầu hết các hộ gia đình, các nhà máy, xí nghiệp nhỏ đều đổ thẳng nước thải ra cống chính, sông rạch, gây ô nhiễm nguồn nước mà các hệ thống sông Cầu, Nhuệ, Đáy, Đồng Nai đang là nạn nhân trực tiếp. Mô hình này của em An có khả năng vượt khỏi quy mô hộ gia đình, có thể áp dụng được cho cả một khu dân cư rộng lớn, làm giảm thiểu chất thải đổ vào các con kênh, dòng sông. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện đề án trị giá 3.000 tỷ đồng để cứu hệ thống sông Nhuệ-Đáy, giá như mỗi nhà máy, mỗi khu dân cư có ý thức làm sạch nước thải ngay từ đầu thì sẽ không có hậu quả đó. Tuy nhiên, muộn còn hơn không, hi vọng rằng, với cống thoát nước đa năng của An, mọi chuyện rồi sẽ khác…